Chủ tịch DNSE: Ngành tài chính, chứng khoán, các dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc năm 2022
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021, một năm đầy khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi dịch Covid-19. Dù chưa có kết quả kinh doanh quý 4, nhưng nếu nhìn lại các con số qua các quý trước, có thể thấy rằng bên cạnh những doanh nghiệp thua lỗ, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đầu năm, thậm chí là vượt chỉ tiêu với số lãi lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Trả lời trên Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đánh giá năm 2022 là sẽ một năm khả quan hơn với các doanh nghiệp, nhưng bức tranh lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục có sự phân hoá…
BTV Mùi Khánh Ly: Theo ông, năm 2021 là một năm như thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCK DNSE: Nhìn lại 3 quý đầu năm thì có thể thấy rằng năm 2021, nhìn tổng thể toàn thị trường thì doanh thu của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, tuy nhiên có sự phân hóa rất rõ giữa các nhóm vốn hóa lớn với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp vốn hóa lớn tuy doanh thu chỉ tăng trưởng khoảng 5% – 6% nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng hơn 20%, còn đối với những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ lợi nhuận lại giảm 24%. Đấy là một sự phân hóa rất rõ rệt của thị trường mà ở nơi đó cho thấy sự rủi ro và sức chịu đựng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi gặp khủng hoảng như dịch Covid-19.
BTV Mùi Khánh Ly: Vâng, nếu nhìn chung thì theo ông Giang, đâu là những nhóm ngành có sự tăng trưởng mạnh nhất xuyên suốt năm 2021?
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCK DNSE::
Trong năm 2021, chúng ta nhìn thấy dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, và Việt Nam không ngoại lệ. Thanh khoản trung bình trên TTCK Việt Nam hiện đạt trên 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên lên đến 2,5 USD. Dòng tiền rất lớn từ người dân đầu tư vào thị trường chứng khoán, và dựa trên dòng tiền đấy thì hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều hưởng lợi.
Đáng chú ý nhất, là ngành ngân hàng tài chính, trung bình tăng tầm 65% đến 80%. Có những ngân hàng tăng đến hơn gấp đôi 9 tháng trở lại đây, còn với ngành dịch vụ tài chính mà đặc biệt là chứng khoán thì tăng 4- 5 lần. Những ngành khác liên quan đến sản xuất, vật liệu xây dựng, cũng có những tăng trưởng rất tốt. Những doanh nghiệp nằm trong nhóm VN30, tuy có bị ảnh hưởng nhưng do họ có những tiềm lực tài chính tốt, có nội lực phát triển với vị thế là những đơn vị đầu ngành thì họ vẫn tăng trưởng về mặt điểm số, cũng như tăng trưởng về mặt giá trị.
Có một điểm là những cổ phiếu có giá tăng mạnh nhất trong năm vừa rồi, thậm chí tăng đến 15-20 lần thì hầu hết lại là đến từ những dòng tiền đầu cơ vào những cổ phiếu có thị giá rất thấp dưới 1.000, 2.000 rồi tăng lên 20.000; 30.000, trong khi có nhiều doanh nghiệp nằm trong số đó, có kết quả kinh doanh thua lỗ với những thông tin chưa rõ ràng.
Điều đó cho chúng ta thấy là trong tâm lý nhà đầu tư, không ít người vẫn muốn tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đi vào đầu cơ, bên cạnh việc đầu tư vào những doanh nghiệp cơ bản, có sự tăng trưởng bền vững, những doanh nghiệp có vốn hóa bé, chỉ cần một lượng ít các nhà đầu tư tham gia dẫn dắt thì cũng có thể đẩy cho thị giá của cổ phiếu đó tăng nhanh và nhiều, đấy là một rủi ro tiềm tàng đối với các nhà đầu tư.