Trung Quốc ra đòn trả đũa mới, đình chỉ đối thoại kinh tế với Australia

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hôm 6/5 cho biết nước này sẽ ngừng vô thời hạn tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia. Mặc dù 2 bên đã tổ chức 3 vòng đàm phán theo cơ chế này kể từ năm 2014 nhưng nó đã không diễn ra kể từ tháng 9/2017 tới nay.

“Thật thất vọng khi biết Trung Quốc đưa ra quyết định này. Chúng tôi vẫn sẵn sàng tổ chức đối thoại và tham gia ở cấp Bộ trưởng”, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ra tuyên bố. Ông Tehan cũng gọi cuộc đối thoại là “diễn đàn quan trọng” để giải quyết các vấn đề kinh tế.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi trong nhiều năm qua và đang ở mức tồi tệ nhất sau khi Trung Quốc chặn hoặc đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Australia do Canberra tìm cách điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Tháng trước, Australia quyết định rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đồng thời bang Victoria cũng xem xét buộc một công ty Trung Quốc phải bán hợp đồng cho thuê một cảng chiến lược quan trọng mà quân đội Mỹ và Australia vẫn thường xuyên sử dụng.

Cuộc gặp cấp Bộ trưởng gần nhất giữa Trung Quốc và Australia diễn ra vào tháng Giêng năm 2019 sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia, khi đó là ông Chiris Pyne, thăm Bắc Kinh. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao của 2 nước cũng có những cuộc nói chuyện bên lề ở ít nhất một sự kiện quốc tế.

Trung Quốc đổ lỗi cho Australia về sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa hai nước, cáo buộc “một số quan chức chính phủ Australia cố gắng phá vỡ các hoạt động trao đổi và hợp tác thông thường” vì vấn đề ý thức hệ.

Với những gì đã diễn ra, Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng to lớn với thương mại của Australia, nhất là khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 43% vào cuối năm 2020. Sự gia tăng không ngừng của giá quặng sắt và việc Trung Quốc sớm kiểm soát đại dịch Covid-19 giúp thúc đẩy nhu cầu với thép, tạo ra cú tăng ngoạn mục bất chấp các biện pháp đánh thuế lẫn nhau.

Các nhà sản xuất lớn đã phải vật lộn để bắt kịp với nhu cầu quặng sắt “khủng” của các nhà máy thép Trung Quốc. Cơn sốt đẩy giá lên 193 USD/tấn vào tháng 4, chỉ thấp hơn 1 chút so với giá kỷ lục được xác lập năm 2010. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá quặng sắt có thể vượt 200 USD.

Khi mối quan hệ song phương trở nên bất hòa, Trung Quốc chọn các mặt hàng như than đá, thịt bò, lúa mạch và tôm hùm của Australia để đánh thuế trả đũa. Trung Quốc cũng là nước mua nhiều rượu vang Australia nhất, với giá trị lên tới 772 triệu USD vào năm 2019. Nó chiếm 40% lượng xuất khẩu rượu vang của nước này.

Việc Trung Quốc đánh thuế buộc hàng hóa Australia phải đa dạng thị trường. Đích đến mới của họ là châu Âu và các thị trường đang phát triển khác, vốn có nhu cầu lớn với than, lúa mạch và gỗ.

Ngoài thương mại, mối đe dọa nhãn tiền với nền kinh tế Australia liên quan tới giáo dục quốc tế và du lịch, vốn đang hoàn toàn bị đóng băng do đại dịch. Theo số liệu các năm trước, Trung Quốc chiếm 37% lượng sinh viên nước ngoài học ở Australia, tương đương nắm giữ 3,7 tỷ USD trong ngành công nghiệp 10 tỷ USD này. Khách du lịch Trung Quốc chi 12,4 tỷ đô la Australia cho đất nước này vào năm 2019, chiếm 15% tổng lượng khách.

Previous post Làn sóng F0 đang ‘hâm nóng’ thị trường bất động sản
Next post Tập đoàn Danh Khôi (NRC) chuẩn bị phát hành 4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 5%