WSJ: Sau đại dịch, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi hình chữ K khi người giàu ngày một giàu hơn

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ đang phục hồi, tuy nhiên ở nhiều cấp độ khác nhau với từng ngành nghề kinh tế. Một số người lao động, doanh nghiệp và khu vực thoát ra khỏi khủng hoảng vẫn ổn hoặc thậm chí phát triển mạnh hơn.

Nhóm còn lại chìm trong suy thoái sâu và tương lai phía trước vẫn còn mù mịt, theo bài nhận định mới đây được Wall Street Journal đăng tải.

KINH TẾ MỸ PHỤC HỒI HÌNH CHỮ K

Chỉ vài tháng trước đây, các chuyên gia kinh tế dự báo báo về khả năng kinh tế Mỹ phục hồi hình chữ V, đồng nghĩa kinh tế Mỹ phục hồi mạnh sau khi suy thoái sâu. Hoặc các chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Mỹ sẽ phục hồi hình chữ U, tức là có khoảng thời gian suy thoái sâu rồi bắt đầu hồi phục trở lại.

Thế nhưng cuối cùng kinh tế Mỹ đang phục hồi hình chữ K. Ở phần trên của chữ K chính là những người có học vấn và giàu có, những hoạt động kinh doanh liên quan đến nền kinh tế số hoặc cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cũng như các khu vực phát triển theo định hướng công nghệ. Nhóm các ngành nghề, khu vực này đang thịnh vượng.

Còn phần dưới của chữ K là những người lao động thu nhập thấp, ngành nghề kinh doanh cũ cũng như các khu vực kinh tế phát triển dựa vào ngành du lịch và cần đến sự tập trung đông người. Có thể, nhóm các ngành nghề và nhân lực này sẽ phải chịu “vết sẹo” kéo dài nhiều năm sau khủng hoảng.

Việc nhiều ngành nghề trong nền kinh tế diễn biến trái chiều như vậy giúp giải thích cho việc thị trường chứng khoán và tài sản nhiều hộ gia đình tăng lên sát mức cao kỷ lục, trong khi đó, số lượng người xếp hàng nhận thực phẩm và nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn tiếp tục tăng.

Theo công bố mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tiêu dùng người dân tăng trưởng 1% trong tháng 8/2020, tuy nhiên thu nhập cá nhân giảm 2,7% trong tháng, một phần bởi số tiền trợ cấp mà người thất nghiệp nhận được giảm đi.

Tính từ đầu tháng 5/2020 đến nay, giới chủ Mỹ đã tuyển dụng 11,4 triệu người lao động. Còn theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế do Wall Street Journal thực hiện, GDP quý 3/2020 tăng trưởng 23,9%. Việc có một số nhóm người lao động, ngành nghề và khu vực phục hồi mạnh sau khủng hoảng lý giải cho việc tại sao tốc độ tăng trưởng lại cao đột biến đến như vậy.

Dù kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể như vậy, nhưng tính ra vẫn không thể quay lại tình trạng tốt đẹp như trước khủng hoảng. Đại dịch và phong tỏa kinh tế khiến cho 22,2 triệu người mất việc trong tháng 3 và tháng 4/2020, kinh tế quý 2/2020 suy giảm 31,4%, kinh tế quý 1/2020 suy giảm 5%. Đại dịch đã xóa mọi thành quả tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2018 và 2019.

Tuy gần đây, số lượng việc làm Mỹ đang tăng trở lại, thế nhưng nước Mỹ vẫn mất đi gần 11 triệu việc làm, con số cao hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2007 – 2009, khi đó nước Mỹ đã mất đi 8,7 triệu việc làm.

Những con số mới nhất không khỏi gây sốc cho nhiều người bởi kinh tế Mỹ đã tăng trưởng được trên 2% trong suốt 1 thập kỷ. Tình trạng số lượng việc làm tăng lên rồi lại giảm đi cho thấy kinh tế Mỹ nói chung vẫn đang khó khăn dù rằng gần đây, nước Mỹ đã có một số tháng kinh tế tăng trưởng nhanh, sản lượng kinh tế ấn tượng.

Nhiều người Mỹ đang làm việc tại nhà, cùng với những người đang phục vụ cho họ, từ làm việc giao hàng cho đến cung cấp dịch vụ sửa nhà, cảm thấy yên tâm trong công việc của họ, tài khoản vẫn có thêm tiền và hoàn toàn đủ khả năng chi tiêu.

KHÔNG CÓ THU NHẬP, KHÔNG THỂ CHI TIÊU

Nhóm các doanh nghiệp phục vụ cho nhóm trên bằng các sản phẩm số hóa cũng đang tìm thấy cơ hội. Ví dụ giống như những người lao động trong nhóm “cổ cồn trắng”, ví dụ như ngành thông tin, quản lý và dịch vụ chuyên nghiệp, sản lượng kinh tế của nhóm vào thời điểm cuối năm nay có thể trở lại ngưỡng của năm 2019, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế.

Khi mà mô hình kinh tế phục hồi hình chữ K dường như đang rõ ràng hơn, con đường phục hồi của nền kinh tế đang thay đổi. Diễn biến của đại dịch vẫn đang tiếp tục khó lường, số lượng ca nhiễm, tử vong và các biện pháp hạn chế liên quan có thể được áp dụng rộng rãi hơn trong mùa thu và đông năm nay.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra với nhiều bất ổn, kinh tế châu Âu và châu Á phục hồi không ổn định cũng như rủi ro doanh nghiệp sa thải người lao động và làn sóng phá sản đang tạo ra thêm nhiều bất ổn mới cho kinh tế Mỹ.

Nhóm người lao động, ngành nghề kinh tế thuộc phần dưới của chữ K vẫn tiếp tục khó khăn, họ không thể tiêu dùng nhiều, họ chìm trong khó khăn kinh tế và nợ nần.

Nhiều người lao động trình độ thấp đành phải chấp nhận rằng việc bị sa thải tạm thời đã trở thành mãi mãi. Không chỉ lo lắng về những tác động kinh tế lên đời sống cá nhân, nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại về tác động từ việc này lên tiêu dùng cá nhân.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Northern Trust, ông Carl Tannenbaum, nhận xét: “Nhiều hoạt động kinh doanh không chịu ảnh hưởng hoặc đã trở lại hoạt động gần như bình thường, tuy nhiên tình trạng thất nghiệp vẫn cao vô cùng. Chắc chắn những yếu tố này sẽ gây ra tác động toàn diện lên nền kinh tế”.

Previous post Bibica (BBC) chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 36%
Next post May Sông Hồng (MSH): Lãi trước thuế năm 2021 tăng 92% lên 543 tỷ đồng, vượt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm